Giải mã tranh chấp liên quan đến việc tính diện tích căn hộ, luật sư Vũ Văn Thiệu cho rằng, Thông tư số 19/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định thống nhất cách tính diện tích căn hộ chung cư theo thông thủy đã cơ bản giải quyết được nhóm mâu thuẫn này; không có chủ đầu tư nào có thể làm khác. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều và thực tế vẫn còn phát sinh tranh chấp về cách tính diện tích, nhưng về cơ bản quy định này đã điều chỉnh kịp thời vướng mắc mà thị trường đang gặp phải.

 

 

Một trong những tranh chấp phổ biến khác, đó là cư dân gặp khó khăn khi làm thủ tục cấp “sổ đỏ”. Theo quy định tại Điều 13, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, chủ đầu tư nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua, người thuê mua căn hộ trong vòng 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do dẫn đến sự vướng mắc khi làm thủ tục cấp “sổ hồng”.

 

 

Giải pháp cho hiện tượng này, theo các chuyên gia, cần thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án, để bảo đảm bất kỳ khu chung cư nào được đưa vào thị trường bất động sản đều phải là những công trình hợp pháp, đủ điều kiện cho cư dân sinh sống và được cấp “sổ đỏ”.

 

 

Về tranh chấp quyền sở hữu chung, riêng và phí dịch vụ, nguyên nhân gốc chính là việc xác định có hay không quyền được quản lý, kinh doanh tại tòa nhà, khu chung cư của chủ đầu tư. Khi chủ đầu tư bán căn hộ tại các tòa nhà khu chung cư thì chủ đầu tư vẫn cố tình giữ lại các công trình công cộng gắn với nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân như các cầu thang máy, bãi đỗ xe… mặc dù những công trình này (thường) không thuộc về họ. Việc chủ đầu tư cho mình vai trò “độc quyền” làm chủ và khai thác, dẫn đến việc lạm thu các loại phí dịch vụ. Đây chính là căn nguyên khiến cho mâu thuẫn ngày một tăng lên.

 

 

Giải pháp trước hết là xác định cụ thể nguyên tắc trong việc xác định giá dịch vụ, tức là theo quy định tại Quy chế Quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng và trên cơ sở pháp luật nhà ở, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư sẽ được xác định căn cứ vào từng nhà chung cư và trên cơ sở thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư. Trường hợp nhà chung cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư lần đầu thì giá dịch vụ quản lý vận hành do chủ đầu tư quyết định và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ; sau khi tổ chức được hội nghị nhà chung cư thì giá dịch vụ do hội nghị nhà chung cư quyết định trên cơ sở thống nhất với đơn vị quản lý vận hành.

 

 

Hiện nay, Luật Nhà ở 2014 đã có những sửa đổi theo hướng quy định thông thoáng hơn, tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên không trái với quy định pháp luật. Phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được xác định bằng tiền Việt Nam tính trên mỗi mét vuông (m2) diện tích sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư (xác định theo diện tích thông thủy). Vì vậy, pháp luật đã có những quy định mở cho các bên tự thỏa thuận trên cơ sở tình hình thực tế hoạt động kinh doanh của từng vị trí nhà chung cư.

 

 

Ngoài ra, giá dịch vụ quản lý vận hành áp dụng đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng dùng làm chỗ để xe ô tô do các bên thỏa thuận và có thể được tính thấp hơn giá dịch vụ quản lý vận hành áp dụng đối với căn hộ trong cùng một tòa nhà phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư.

 

 

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này.

 

 

https://thanhtra.com.vn/kinh-te/bat-dong-san/bai-2-can-luat-hoa-viec-quan-quy-bao-tri-va-su-chuyen-nghiep-trong-quan-ly-197317.html