Tối 8-1 tại phường An Thới, chính quyền tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thành lập TP Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang - thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.
Phú Quốc là huyện đảo nằm ở phía Tây Nam thuộc tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Hà Tiên 45km về phía Tây, cách thành phố Rạch Giá 120km về phía Đông. Kinh tế của huyện Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. 5 năm vừa qua, Phú Quốc đã hoàn thành 12 chương trình, dự án trọng điểm, nghị quyết chuyên đề. Trong đó, thương mại, dịch vụ ở huyện đảo tăng trưởng cao, gấp 2,37 lần so với đầu nhiệm kỳ. Chia sẻ cảm nghĩ về việc Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, nhiều người dân Phú Quốc đã bày tỏ tâm tư tình cảm cũng như những trăn trở và kỳ vọng của mình.
Phát biểu khai mạc, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết trong những năm qua, Phú Quốc đã có sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; nhất là trong giai đoạn từ năm 2014 trở lại đây, với điều kiện hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh, Phú Quốc đã thật sự vươn lên, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế.
Ông Thành cho rằng việc Phú Quốc trở thành thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang là sự kiện lịch sử trọng đại, là cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu mô hình quản lý mới theo thiết chế chính quyền đô thị, gỡ nút thắt về tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực quản trị hành chính nhà nước ở địa phương; tạo sức bật mạnh hơn nữa để Phú Quốc phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế; tạo thế và lực trong đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo vùng Tây Nam của Tổ quốc.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền, quân và dân Phú Quốc thời gian qua. Phú Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, có dáng dấp hình hài của một đô thị hiện đại, thông minh, năng động, được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến.
TP Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số gần 180.000 người của huyện Phú Quốc. Sau khi thành lập, TP Phú Quốc có chín đơn vị hành chính gồm hai phường (An Thới, Dương Đông) và bảy xã (Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu).
Trong đó, phường Dương Đông được thành lập dựa trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Dương Đông.
Phường An Thới được thành lập dựa trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hòn Thơm và thị trấn An Thới.
Mục tiêu quan trọng hiện nay là xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, là trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực Đông - Nam Á. Việc đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, kết nối đồng bộ các khu đô thị, các khu dân cư, tái định cư, chỉnh trang đô thị, ổn định sinh kế của người dân sẽ từng bước hướng đến xây dựng thành phố Phú Quốc văn minh, hiện đại, hài hòa và thân thiện.
Địa phương cũng xác định Phú Quốc sẽ là một thành phố biển đảo, thành phố du lịch thế nên việc đẩy mạnh quản lý vấn đề an ninh trật tự, để tạo hình ảnh thân thiện, an toàn hiếu khách sẽ làm điểm cộng khi du khách đến Phú Quốc.
Theo đề án, đô thị Dương Đông hơn 2.500 ha sẽ là trung tâm, cửa ngõ giao lưu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của đảo Phú Quốc. Đến năm 2030, Dương Đông có dân số 240.000 người, trong đó hơn 180.000 dân từ đất liền ra.
Trong khi đó, đô thị An Thới rộng trên 1.000 ha được định hướng thành cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật, thương mại, du lịch. Nơi đây còn có các khu công nghiệp nhẹ, trung tâm văn hóa, di tích lịch sử gắn với truyền thống địa phương. Dự báo năm 2030, An Thới có hơn 70.000 dân...
Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá nhanh đã đặt ra cho Phú Quốc những yêu cầu mới, cần thiết phải có bộ máy chính quyền đô thị trình độ phát triển cao, đủ năng lực thực thi có hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn. Vì vậy, việc Phú Quốc trở thành thành phố có ý nghĩa lớn, ổn định phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng ở các khu vực trọng điểm phía Nam.